Tiếng Nhật hay dùng đi làm thêm

Chi tiết bài viết

Tiếng Nhật hay dùng đi làm thêm

09/06/2019

Các bạn đi du học tự túc đa phần đều đi làm thêm (chắc trên 90%) để trang trải. Và chắc chắn, các bạn mong muốn biết tiếng Nhật phục vụ cho việc làm thêm. Sachtiengnhat.org sẽ tổng hợp một số câu tiếng Nhật hay dùng đi làm thêm. Và trước hết, chúng ta cần học một ít nguyên tắc, tạm gọi là アルバイト道 Arubaito-Dou, tức là “Đạo làm thêm”. Quan trọng phết đấy!

バイト語 và chuyện người Nhật cũng phải học

Khi đi làm thêm, ngoài được tiền công ra, thì chắc chắn bạn cũng học được cách sử dụng từ ngữ tôn kính (敬語 keigo Kính Ngữ). Người Nhật, nhất là thanh niên trẻ, không phải ai cũng sử dụng tiếng Nhật đúng. Thay vì đó, họ dùng sai khá nhiều và hình thành cái gọi là バイト語 Baito-Go (ngôn ngữ làm thêm). Baito-Go khiến người già (và khó tính) thấy khó chịu (不快感 fukaikan = khó chịu). Bạn cần tránh nói sai kiểu Baito-Go. Hãy học tiếng Nhật chuẩn.

Việc làm thêm gọi là アルバイト arubaito, hay gọi tắt là バイト baito.
Nơi đi làm thêm gọi là バイト先 baito-saki (saki ở đây nghĩa là “nơi, place” thay vì “phía trước, tương lai”).  
Dưới đây là một số thuật ngữ làm thêm (バイト用語 baito yougo = baito dụng ngữ):

  • アルバイトの求人 arubaito no kyuujin (cầu nhân) = Tuyển người làm thêm
  • アルバイト情報 arubaito jouhou:  Thông tin việc làm thêm
  • 応募 oubo (ứng mộ) = Ứng tuyển => oubo suru
  • 募集 boshuu (mộ tập) = Tuyển, 募集中 boshuu-chuu = đang tuyển
  • 急募 kyuubo (cấp tập) = Tuyển gấp

Làm thêm ở quán nhậu, quán ăn, …

Ở Nhật quán nhậu là 居酒屋 izakaya (cư tửu ốc), đúng nghĩa là “quán nhậu” luôn, tuy vậy, đa phần izakaya đều trông như nhà hàng chứ ít khi là quán vỉa hè như ở ta. “Ya” nghĩa là “quán”, tức là quán ngồi ( “i”) uống rượu (sake => saka => biến âm zaka). Còn nhà hàng là レストラン resutoran, nhà hàng gia đình là ファミレス Famiresu, tức là Family Restaurant.

Ở các quán ăn, quán nhậu thì chia ra 2 loại công việc:

  • ホールスタッフ hooru sutaffu = nhân viên sảnh, tức nhân viên tiếp khách, chạy bàn (nhận đặt món, báo cho nhà bếp, mang đồ ăn ra, ….) => HALL STAFF
  • キッチンスタッフ kitchin sutaffu = nhân viên bếp, phụ trách nấu ăn trong bếp => KITCHEN STAFF

Làm trong bếp thì bạn sẽ phải nấu ăn = 調理 chouri (điều lý), tất nhiên là cũng phải 下準備 shita-jumbi (chuẩn bị nguyên liệu) nữa. Nhìn chung thì phải học khá nhiều về “điều lý” nhưng theo tôi thì có hướng dẫn hết.

Còn làm ホール thì bạn phải tiếp khách. Nghề nhà hàng cũng thuộc nghề tiếp khách = 接客業 sekkyaku-gyou (tiếp khách nghiệp). Do đó, bạn phải biết 接客用語 sekkyaku yougo (tiếp khách dụng ngữ) = từ ngữ tiếp khác. Bạn phải học nói tiếng Nhật tôn kính (keigo) cho đúng, sao cho khách hàng êm tai, đặc biệt là các khách hàng lớn tuổi.

いらっしゃいませ。
Irasshaimase: Câu chào khi khách tới quán, nghĩa là “Xin mời quý khách vào”. Irassharu là dạng tôn kính của kuru, iru. Tức là nếu nói nôm na ra thì là “kite kudasai”.

かしこまりました。
はい、かしこまりました。
Kashikomarimashita. = Tôi hiểu rồi ạ. Chú ý là không dùng “Wakarimashita” vì bạn phải khiêm nhường mà. Nghề tiếp khách ở Nhật là phải khiêm nhường tối đa khi nói về bản thân.

少々お待ちくださいませ。
Shoushou omachi kudasaimase = Xin quý khách vui lòng đợi một chút.
Sử dụng khi muốn khách hàng đợi. Shoushou (tiểu tiểu) là một chút. Nói nôm na là “matte kudasai” nhưng ai lại nói thế với khách hàng đúng không? ^^ Không phải vì bạn tôn trọng họ mà chủ yếu là dễ mất việc.

お待たせいたしました。
Omatase itashimashita. = Xin lỗi vì đã để quý khách đợi lâu.
Khi bạn bưng món ăn lên.

失礼致します。
Shitsurei itashimasu. = Tôi xin thất lễ.
Khi bạn làm gì đó và cần khách hàng chú ý. Ví dụ khi bạn dọn các chén dĩa đã dùng xong và phải mang ngang qua mặt khách.

申し訳ございません。
Moushiwake gozaimasen = Tôi vô cùng xin lỗi.
Khi bạn làm gì đó sai và cần xin lỗi. Moushiwake gozaimasen nghĩa đen là “tôi không thể có lời giải thích nào”, tức là lỗi nặng tới mức không thể bào chữa được. Nhưng cái gì chẳng bào chữa được đúng không?

恐れ入りますが。
Osore irimasuga. = Tôi xin thứ lỗi nhưng … = Excuse me
Khi nhờ khách hàng làm gì đó. Giống như “Sumimasen ga…” nhưng ngôn ngữ tiếp khách phải khác chứ!

ありがとうございました。
Arigatou gozaimashita. = Xin cám ơn quý khách ạ.
Dùng cảm ơn khách hàng đã tới quán dùng bữa.

失礼いたしました!
Shitsurei itashimashita = Tôi xin lỗi đã thất lễ!
Dùng để xin lỗi khi bạn đánh rơi thứ gì hay tạo tiếng ồn ảnh hưởng tới khách trong quán. Ví dụ bạn đánh rơi chén, muỗng, … làm khách giật mình.

Nếu vô cùng xin lỗi thì là 大変失礼いたしました taihen shitsurei itashimashita. Bạn cũng có thể dùng “Shitsurei shimashita” cũng ổn.

Quan trọng khi làm ホール là lấy gọi món, gọi là 注文 chuumon (chú văn), và lịch sự là ご注文 gochuumon. Tóm lại thì công việc là thế này nhé:
Bước 1: Lấy gọi món (注文 chuumon hay オーダー oodaa = ORDER) của khách, ghi vào note của bạn
Bước 2: Truyền đạt vào trong bếp: Định note đã ghi vào trong bếp và thông báo (tôi đoán thôi nhé, tùy quán có thể khác nhau)
Bước 3: Khi đồ ăn xong thì mang ra
Bạn cần học tiếng Nhật cho các bước trên.
Trước hết, là hỏi về gọi món:

ご注文はお決まりですか?
Gochuumon wa okimari desu ka = Quý khách đã quyết định gọi món chưa ạ?
okimari là dạng lịch sự của kimaru = kimarimasu. Đây là hỏi xem khách đã chọn món để gọi món chưa.

Đại khái thì khách hàng sẽ gọi món kiểu như:
から揚げ一つと、サラダひとつと、・・・・

Vấn đề là, bạn sẽ phải ghi lại và sau đó xác nhận lại:
かしこりました。XとYとZですね。

Nhưng trên đời có những ông tướng (若大将 wakadaishou) sẽ hỏi những câu như:
何がおいしい? Nani ga oishii? = Ở đây có gì ngon?

Bạn cứ chọn thực đơn mắc nhất mà giới thiệu nhé. Chứ trả lời なんでも美味しいです nandemo oishii desu = “cái gì cũng ngon” thì chắc không ổn lắm.

Ngoài ra, khách cũng có thể hỏi 何がおすすめですか nani ga osusume desu ka.
Mục đích là hỏi xem “Ở đây có món gì mà bạn giới thiệu cho chúng tôi?”. Vì thế, bạn nên chuẩn bị sẵn những thứ định susume cho khách.

Viết bình luận
0869613029
Liên hệ qua Zalo
Messager
popup

Số lượng:

Tổng tiền: