-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Hệ thống giáo dục của Nhật Bản (p.2)
16/05/2020
Sơ qua về giáo dục bậc phổ thông và bậc cao (đại học và sau đại học) ở Nhật Bản.
Cao Trung (THPT) và tiếp sau đó
Theo số liệu năm 2009, 97.9% các em tốt nghiệp Sơ trung sẽ theo học tiếp Cao trung, và trong số các trường này có một số trường top đầu có khả năng đảm bảo cho các em có thể thi vào được các trường Đại học tốt ở Nhật. Ngoài ra còn có các trường dạy nghề đào tạo cho người học những kĩ năng về mặt kĩ thuật hoặc thương mại, những ngành khoa học quan trọng cho sự phát triển của từng địa phương như nông nghiệp và lâm nghiệp. Một số trường thì chỉ mở vào buổi tối để học viên có thời gian đi làm vào buổi sáng. Ở tỉnh nào thì cũng đều có một số trường cấp ba tư lập, đôi khi không danh giá bằng các trường công vì đây là nơi tiếp nhận những em nào không thể vào được các trường công lập tốt nhất, tuy nhiên một số trường nổi lên giàu truyền thống và có chất lượng còn tốt hơn nhiều trường cấp 3 công lập ở Nhật.
Trái ngược với 9 năm tiểu học và sơ trung, thì con đường vào Cao trung ở Nhật có vẻ khốc liệt và cạnh tranh hơn. Lúc này, học sinh được quyền nộp đơn ứng tuyển vào bất cứ trường cấp 3 nào (miễn là các em đáp ứng được chuyện di chuyển) nếu qua được kì thi đầu vào của trường đó, đôi khi còn phải kèm theo cả kết quả quá trình học tập những năm sơ trung. Do vậy, các trường cấp 3 nổi tiếng hằng năm tiếp nhận rất nhiều đơn ứng tuyển. Người Nhật vẫn quan niệm trường cấp 3 tốt sẽ giúp bọn trẻ thi vào được trường đại học tốt, trường đại học tốt sẽ giúp các em tìm được công việc tốt và danh giá.
Ở bậc cấp 2, các em cũng dành nhiều thời gian hơn cho sở thích cá nhân như âm nhạc, thể thao, võ thuật, kendo… Và một bộ phận học sinh sẽ dành thêm thời gian học các môn học trên trường như Toán học hoặc tiếng Anh. Ở bậc tiểu học, nếu như học sinh dành nhiều thời gian cho các môn học ngoại khóa như thư pháp hay piano thì lên đến cấp 2, để chuẩn bị cho kì thi vào cao trung, các em sẽ tập trung cho các môn học mang tính học thuật hơn.
Cho đến khi vào được Đại học, có nhiều học sinh dành một vài buổi tối một tuần để ôn tập Toán và tiếng Anh, có khi rất muộn (9, 10 giờ tối). Nhiều học sinh, cho đến khi vào được đại học, học thêm tại các ”lò luyện thi” này nhằm đạt được kết quả tốt trong kì thi đầu vào Đại học. Cái này cũng khá giống với trường hợp của Việt Nam hay Trung Quốc và Hàn Quốc và từ lâu đã bị báo chí phương Tây lên tiếng chỉ trích vì sự học nhồi nhét và làm mất đi những thời gian quý báu của các em cho các hoạt động ngoại khóa khác.
Giáo dục bậc cao
Mô hình các trường đại học như hiện nay chỉ mãi tới sau thời Minh Trị mới xuất hiện ở Nhật Bản do có sự tiếp thu nhanh chóng các ngành học của phương Tây và sự xuất hiện ngày càng nhiều học giả nổi tiếng cung cấp cho đất nước Nhật Bản mới những nhà lãnh đạo xuất sắc trong nhiều lĩnh vực. Đến Chiến tranh thế giới thứ hai, nền giáo dục đại học của Nhật Bản tập trung ở 8 trường “Đại học Hoàng gia” và có thêm một vài trường cao đẳng hoặc đại học tư nhân.
Do cải cách giáo dục sau chiến tranh đã cho ra đời một số lớn các trường đại học theo hệ thống mới dập khuôn theo các mô hình của Mỹ. Số trường đại học quốc lập đã tăng lên, mỗi tỉnh có ít nhất một trường và đến năm 2011 đã có tổng cộng 86 trường. Ngoài ra, nếu tính cả những trường có chương trình học chỉ 4 năm, thì còn có thêm 95 trường đại học công lập ở các tỉnh, thành phố và 599 trường đại học dân lập. Tổng số sinh viên đại học hiện nay gấp 29 lần số sinh viên trước Chiến tranh thế giới thứ hai và khoảng 73,5% trong số này theo học ở các trường đại học dân lập.
Số trường đại học tăng nhanh chóng đã mở cửa cho nhiều học sinh vào học đại học. Nhưng mặt khác, một điều không thể phủ nhận là trình độ chung về giáo dục và nghiên cứu khoa học đã giảm sút. Việc nhiều học sinh tìm mọi cách để vào được các trường đại học danh tiếng có truyền thống đã làm cho kỳ thi vào các trường này trở thành những cuộc chạy đua. Trong khi đó, những học sinh muốn học tập nghiêm túc hơn phải theo học các khoá sau đại học. Những trường đại học ngắn hạn hệ 2 năm hầu hết dành cho nữ sinh muốn tiếp tục học lên sau khi tốt nghiệp trung học.
Thời gian chương trình đại học là 4 năm (với các ngành y, thú y là 6 năm), chương trình thạc sĩ là 2 năm, tiến sĩ là 3 năm (với ngành y và thú y là 4 năm, không có thạc sĩ). Giống như các nước khác, cơ chế giáo dục đại học của Nhật gồm có 3 loại:
- Đại học quốc lập (do chính phủ trung ương thành lập ở các đô thị lớn trên toàn quốc)
- Đại học công lập (do chính quyền địa phương lập ra với ngân sách của mình)
- Đại học tư lập (của tư nhân, đoàn thể tôn giáo hay các doanh nghiệp)
Đại học của Nhật có 2 hình thức tổ chức: chuyên khoa (chỉ giảng dạy một ngành) chiếm khoảng 53% và đa khoa (giảng dạy nhiều ngành, theo nhiều khoa, trong đó lại có nhiều phân khoa khác nhau) chiếm 47%. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng như các ngành khoa học kỹ thuật chiếm phần lớn với khoa học xã hội 39,6%, khoa học nhân văn 16,6%, khoa học kỹ thuật 18,6%. Bên cạnh đó là các ngành nông nghiệp 2,8%, y và nha 2,6%, dược 1,5%, sư phạm 5,4%, gia chánh 1,9% và các ngành khác 7,4% (thống kê tháng 5/2001).
Năm học ở Nhật Bản bắt đầu vào 1 tháng 4 hàng năm và kết thúc vào 31 tháng 3 năm sau. Kì nghỉ hè thường từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, tuy nhiên giữa các trường có khác nhau chút ít. Kì nghỉ đông thường từ cuối tháng 12 đến đầu tháng giêng và nghỉ xuân từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4. Hầu hết các trường đại học có hai học kì. Các môn học được bố trí rải đều trong cả năm. Các trường học đều áp dụng hệ thống học phần tín chỉ (credit) trừ các khóa học về ngành y và nha khoa. Cuối mỗi khóa học, sinh viên phải qua kì kiểm tra đã định kết thúc môn học. Thông thường, các môn thi ở Nhật đều thi viết, không thi vấn đáp. Mặc dù có khác nhau giữa các trường, nhưng nhìn chung, để tốt nghiệp, sinh viên thường phải hoàn thành tối thiểu khoảng 124 học phần (trừ các sinh viên y khoa, nha khoa và thú y). Khi sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, có thể tiếp tục học các khóa sau đại học với điều kiện phải qua được kỳ thi tuyển chọn vào viện đại học do các trường tổ chức. Tương tự, sinh viên đã tốt nghiệp các khóa thạc sĩ có thể tiếp tục khóa đào tạo tiến sĩ, với điều kiện thi đỗ kỳ thi tuyển chọn do các trường tổ chức.
Những người hoàn thành khóa học Thạc sĩ thì được cấp giấy chứng nhận học vị Thạc sĩ (Master – Shushi) và những người hoàn thành khóa Tiến sĩ thì được cấp giấp chứng nhận học vị Tiến sĩ (Doctor – Hakase). Học vị Thạc sĩ được phong cho sinh viên đã hoàn thành tối thiểu số học phần yêu cầu (30 học phần) trong thời gian tối thiểu 2 năm và qua kì thi bảo vệ luận văn Thạc sĩ; học vị Tiến sĩ được phong cho những ai theo học suốt 5 năm (với sinh viên tốt nghiệp đại học) và 3 năm (với sinh viên đã tốt nghiệp khóa thạc sĩ) và đã hoàn thành số học phần yêu cầu về chuyên môn, đồng thời qua được kì thi bảo vệ luận văn Tiến sĩ. Một số trường đại học của Nhật Bản cho phép những sinh viên xuất sắc rút ngắn thời gian học để lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về học phần và luận văn tốt nghiệp. Trong quá trình học tập và nghiên cứu để nhận bằng Tiến sĩ bạn sẽ còn phải hoàn thành một số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế hoặc Nhật Bản.
Tỉ lệ sinh viên theo học lên các khóa học thạc sĩ và tiến sĩ khá cao, lần lượt là 10,7 % và 16,7%. Tại các trường đại học quốc lập, tỷ lệ này là 30,3% và 19,1%. Việc các tập đoàn lớn thiết lập các trung tâm nghiên cứu tư, tuyển dụng những sinh viên đã qua đào tạo sau đại học khiến số lượng sinh viên theo học các khóa đào tạo này tăng lên đáng kể từ sau những năm 1970.
Đối với Đại học và đại học ngắn hạn dành cho người đã tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc người có học lực tương đương tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên thì có trường đại học và trường đại học ngắn hạn. Cũng gồm 3 loại: Trường quốc lập do nhà nước quản lý, trường công lập do địa phương quản lý và trường tư do các tổ chức pháp nhân quản lý. Một số khu vực còn có trường đại học do công ty cổ phần thiết lập. Đại học ngắn hạn nói chung được gọi là tandai (sau đây sẽ gọi là đại học ngắn hạn). Thời gian học đại học là 4 năm, cao đẳng là 2 năm.
Các trường cao đẳng kỹ thuật
Chế độ giáo dục này được chính thức thành lập vào năm 1962, chú trọng đến các ngành công nghiệp (kiến trúc, điện cơ, cơ khí) nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp của Nhật Bản. Sau này còn mở rộng chuyên môn sang những ngành khác như kỹ thuật hàng hải và công nghệ thông tin. Mục tiêu của các trường cao đẳng kỹ thuật (Koto senmon gakko) là nhằm giúp học sinh nắm vững lý thuyết cơ bản của ngành nghề theo học, đồng thời biết áp dụng những kỹ thuật đó qua quá trình thực tập trong thời gian học kéo dài 5 năm.
Đối tượng học cao đẳng kỹ thuật là những học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, họ có khả năng lựa chọn hoặc kiếm việc làm, hoặc tiếp tục học tiếp 2 năm chuyên môn tại một trong 9 trường cao đẳng kỹ thuật quốc lập để học và nghiên cứu sâu hơn nữa về lĩnh vực của mình đã học để có được bằng cấp ngang với bằng đại học. Sinh viên các trường này cũng có thể chuyển tiếp sang học 2 năm cuối đại học và nhận bằng đại học.
Các trường cao đẳng kỹ thuật được bố trí trên khắp Nhật Bản và có xu hướng tiếp nhận sinh viên trong các vùng và khu vực địa phương xung quanh trường. Đến năm 2011 trên toàn quốc có 57 trường cao đẳng kỹ thuật với trên 230 ngành, trong đó trường quốc lập chiếm 51 trường, công lập 3 trường và tư lập 3 trường. Mỗi trường thường có từ 3 đến 5 khoa. Mỗi khoa có từ 1 đến 2 lớp, và mỗi lớp khoảng 40 sinh viên. Trong hai năm rưỡi đầu trong khóa học 5 năm, đào tạo cơ bản được tiến hành cùng với với việc bắt đầu đào tạo chuyên môn. Vì các tiến bộ của trường học, việc học chuyên môn được chú trọng. Năm học của trường cao đẳng kỹ thuật nói chung là giống như năm học ở các trường đại học, trừ kì nghỉ xuân ngắn hơn, khoảng 20 ngày.
Các môn học ở trường kỹ thuật cũng dựa trên cơ sở hệ thống học phần giống như trường đại học. Tuy nhiên có một vài điểm khác so với trường đại học. Ðể hoàn thành số học phần suốt 5 năm, các môn học được phân thành một đơn vị năm học, và vì thế nếu sinh viên không đảm bảo điều kiện lên lớp thì thậm chí chỉ trượt 1 môn thì cũng phải học lại toàn bộ cả năm đó (lưu ban). Những sinh viên tốt nghiệp các trường này dễ kiếm việc làm vì các xí nghiệp chế tạo, xây dựng có xu hướng thu nhận lớp sinh viên này do lương rẻ hơn mà tay nghề cao so với một sinh viên tốt nghiệp đại học.